Cựu SBC muốn Sài Gòn lập lại lực lượng huyền thoại SBC
“Người dân đang lo âu, hoảng loạn về nạn cướp thì việc khôi phục lực lượng Săn bắt cướp là rất cần thiết”, cựu thành viên Đội SBC – đại tá Lê Thanh Liêm nói.
Đại tá Lê Thanh Liêm – Phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) cho biết, cảnh sát Hình sự đặc nhiệm của Công an TP HCM hiện có vai trò và chức năng tương tự với SBC (Săn bắt cướp) ngày xưa.
“Cái tên hiện nay có thể nhân văn hơn nhưng chưa thể hiện hết nhiệm vụ chủ đạo của lực lượng này như SBC. Chỉ cần nghe đến SBC là ai cũng hình dung được công việc chúng tôi đang làm”, đại tá Liêm không giấu niềm tự hào khi nhắc đến quá trình cùng đồng đội hoạt động trong lực lượng huyền thoại những năm đất nước mới thống nhất.
SBC phá một vụ án. Ảnh tư liệu.
Thời điểm đó tình trạng cướp giật, cướp của giết người bằng vũ khí tại TP HCM gây nhiều hoang mang cho xã hội. SBC được thành lập là lực lượng chuyên sâu, duy nhất trong cả nước trấn áp những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Ngoài những cá nhân trẻ điêu luyện về nghiệp vụ, võ thuật, kỹ năng lái xe, bắn súng… được tuyển chọn gắt gao còn không thể thiếu những “khối óc” lãnh đạo giỏi, mang trong mình phong cách, khí tiết vững vàng trong mọi tình huống.
Đại tá Liêm kể, ngày trước, khi luật pháp còn chưa quy định rõ ràng, để hoạt động thuận lợi các chiến sĩ SBC được trang bị thẻ ngành riêng. Phía sau thẻ thể hiện nhiều đặc quyền để khi cần thiết áp dụng như: đi xe vào đường cấm, chạy tốc độ cao, bắn hạ các tên tội phạm có vũ khí sau những viên đạn cảnh cáo…
Điều lệnh ngành công an là rất nghiêm ngặt, riêng lực lượng này được nới lỏng hơn. Họ có thể để tóc dài để dễ bề trà trộn hoạt động điều tra, bắt tội phạm. Các chiến sĩ được cấp nón riêng, dòng chữ SBC và mũi tên in phía trên là dấu hiệu nhận biết SBC khi truy đuổi tội phạm trên đường. Khi người dân thấy thanh niên đội mũ trắng, phóng xe vun vút trên đường là nhận ra ngay SBC đang bắt cướp, họ dạt ngay vào lề đường hay sẵn sàng giúp đỡ.
Tính khí quyết đoán, nói là làm, ông Liêm được đồng đội đặt biệt danh “Hai Lửa”. Khi nhắc đến đội SBC, ông cùng nhiều tên tuổi khác trong lực lượng như đại úy Hai Thành, Ba Tung, Dương Minh Ngọc, Lý Đại Bàng… được mọi người xem là thần tượng. Chiến công bắt hàng nghìn tên cướp có súng, lựu đạn của các chiến sĩ đã khiến người dân thành phố tin yêu còn giới tội phạm đều tỏ ra khiếp đảm.
“Người dân TP HCM đang lo âu, hoảng loạn về nạn cướp thì việc khôi phục đội SBC là đúng, chỉ tên gọi đã nói lên nhiệm vụ của lực lượng này. Người đi đường nếu biết xung quanh họ có những SBC, sẽ xuất hiện khi có tội phạm thì ai cũng cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, dù lực lượng nào đi chăng nữa cũng phải nằm trong khuôn khổ luật pháp”, đại tá Liêm nói.
Với tư cách từng là lính SBC, đại tá Liêm cho rằng, nếu tái thành lập lực lượng này cần có chế độ chính sách đãi ngộ xứng đáng. Do tính chất công việc nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nên các thành viên SBC phải được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện… để sẵn sàng đối phó với mọi trường hợp.
SBC truy đuổi tên bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương. Ảnh tư liệu.
Đồng quan điểm, luật sư Hà Hải – Đoàn Luật sư TP HCM – cho biết cần thiết tái lập đội SBC – thương hiệu của lực lượng cảnh sát hình sự công an thành phố – bởi tâm lý “ở nhà sợ trộm, ra đường sợ cướp” đang là nỗi lo canh cánh của người dân.
“Muốn thành lập lực lượng SBC thì trước hết Hội đồng nhân dân thành phố phải có Nghị quyết về vấn đề này. Để xây dựng lại một SBC hùng mạnh, đáp ứng với tình hình hiện nay thì phải có kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trang thiết bị, lương và các khoản phụ cấp cho anh em”, luật sư nói.
Theo ông Hà Hải, để lực lượng SBC hoạt động một cách có hiệu quả phải có cơ sở pháp lý điều chỉnh, đồng thời phải đảm bảo một số nguyên tắc như: giữ bí mật thông tin về nhiệm vụ mình đang làm, không được tự ý hành động; khi thực hiện hành vi vuợt quyền thì xử lý như thế nào; vi phạm pháp luật phải xử lý như thế nào, trách nhiệm bồi thuờng ra sao…
“Cơ quan thẩm quyền phải nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết về con người và cơ sở pháp lý để đáp ứng kịp thời yêu cầu trấn áp tội phạm của người dân”, luật sư Hà Hải đề xuất.
Trước đó, làm việc với Công an TP HCM, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nhiều lần nhấn mạnh, việc tái lập Đội SBC là theo nguyện vọng của nhân dân, các cán bộ lão thành. Đây là lực lượng tinh nhuệ, từng là nỗi khiếp sợ của tội phạm lúc bấy giờ. “Phải trang bị các công cụ hỗ trợ để làm sao các chiến sĩ hoạt động có hiệu quả, để TP HCM là nơi khiếp sợ của tội phạm”, Bí thư Thăng chỉ đạo.
Đội SBC ra đời tháng 3/1978 trong bối cảnh tình hình tội phạm ở TP HCM đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê, cứ 40 phút lại xảy ra một vụ cướp. Trong hơn 3 năm (1975-1978) chúng đã cướp đi sinh mạng của 170 người, 200 người bị thương, tài sản thiệt hại hàng nghìn lượng vàng…
Theo Quốc Thắng vnexpress.net