Vì sao không mạnh tay dẹp lấn chiếm vỉa hè khi luật ‘có đầy’123
Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng vấn nạn khó dẹp hàng quán, công trình lấn vỉa hè không phải do thiếu luật hay mức phạt quá thấp mà vì ý thức của người vi phạm và công tác quản lý quá kém.
Khi nào bạn được lấn vỉa hè?
Dưới đây là phân tích pháp lý của luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc.
Tại sao dẹp vỉa hè lại khó như vậy?
Theo khoản 2 điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các hành vi sau không được phép thực hiện trên đường bộ:
“a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
c) Thả rông súc vật trên đường bộ;
d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
i) Hành vi khác gây cản trở giao thông”.
Bên cạnh đó, Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 cũng quy định mức xử phạt với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè như sau:
“Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 4, Điểm e Khoản 5 Điều này.
Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng với cá nhân, từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
- Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 5; khoản 6; điểm a khoản 7 điều này;
- Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5 m2 làm nơi trông, giữ xe…”.
Các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe có thể bị xử phạt đến 15.000.000 đồng với cá nhân; 30.000.000 đồng với tổ chức.
Như vậy có thể thấy rằng nguyên nhân của khó khăn khi dọn dẹp vỉa hè không phải vì thiếu luật hay chế tài xử phạt quá thấp mà chủ yếu là do ý thức của người vi phạm và công tác quản lý.
Luật có quy định nhưng không ai xử lý hoặc xử lý nhưng không đến nơi đến chốn. Cứ thế, hoạt động kinh doanh, lấn chiếm vỉa hè vẫn xảy ra thường xuyên, phổ biến và cố định trong thời gian dài.
Kinh doanh, bán hàng rong trên vỉa hè thậm chí đã trở thành nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình, cá nhân. Bởi vậy, việc xử lý, dẹp gọn vỉa hè cho người đi bộ gặp rất nhiều khó khăn cả về công tác cưỡng chế thi hành cũng như sự đồng tình của dư luận.
Có được tịch thu phương tiện lấn chiếm vỉa hè?
Theo Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013, người kinh doanh, bán hàng, có hành vi lấn chiếm vỉa hè sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, nếu có hành vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức, dựa trên những căn cứ sau đây:
“a) Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý;
b) Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm”.
Theo quy định nói trên, cá nhân, tổ chức lấn chiếm vỉa hè có thể bị tịch thu phương tiện nếu cố ý thực hiện hành vi vi phạm và vi phạm đó bị coi là nghiêm trọng theo quy định pháp luật.
Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định:
“Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải đỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè ngoài bị xử phạt hành chính, bị tịch thu phương tiện vi phạm còn bị buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra, tức là hoàn trả lại phần diện tích vỉa hè đã lấn chiếm cho người đi bộ.
Ai có quyền xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè?
Theo quy định tại điểm c khoản 1; điểm d khoản 2; điểm d khoản 3 Điều 38; điểm c khoản 3; điểm d khoản 4; điểm d khoản 5 điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, những cá nhân sau có thẩm quyền tịch thu phương tiện vi phạm hành chính:
- Chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp.
- Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất.
- Trưởng công an cấp huyện; trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng cảnh sát trật tự, trưởng phòng cảnh sát phản ứng nhanh, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội…
Ngoài ra, theo điểm đ khoản 3 Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, những cá nhân sau đây có thẩm quyền xử phạt hành chính về các hành vi lấn chiếm vỉa hè: “Cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt”.
Mỗi cơ quan đều có những quyền hạn nhất định trong việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng có đồng bộ hay không do từng địa phương, từng cấp chính quyền chứ không thể cho rằng nguyên nhân lập lại trật tự vỉa hè còn khó khăn là do quy định của pháp luật.
Bảo Hà ghi
Nguồn:vnexpress.net