Truyền lửa tinh thần cách mạng đến cộng đồng
Di tích Nhà tù Hỏa Lò là nơi ghi lại dấu tích sự tàn ác của thực dân Pháp đối với những chiến sĩ cách mạng Việt Nam yêu nước. Bất kỳ ai đến với di tích đều ấn tượng về những căn nhà biệt giam tối tăm, những cánh cửa nặng nề, những dụng cụ tra tấn hay chiếc máy chém… “Nếu không hiểu, không yêu, thì làm sao có thể truyền tải được lòng tự hào dân tộc, tinh thần đấu tranh của những người đi trước cho thế hệ hôm nay, làm sao có thể kể những câu chuyện xúc động mà hấp dẫn khách tham quan?”, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chia sẻ những khó khăn rất đặc thù trong công việc quản lý, giới thiệu Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Ðể tháo gỡ khó khăn này, mỗi dịp sinh hoạt Chi bộ, Chi bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, nhân viên phải hiểu rõ những câu chuyện về tinh thần đấu tranh cách mạng qua từng hiện vật nhỏ. Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức được thực hiện qua các buổi sinh hoạt chuyên môn; đồng thời, vận động các nhân viên tự giác học hỏi với tinh thần đã là cán bộ tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, những câu chuyện về các cuộc đấu tranh anh dũng, cuộc vượt ngục huyền thoại, hay câu chuyện bi tráng trong nhà biệt giam… đều phải thuộc “nằm lòng”. Ngay cả “chuyện nhỏ” như cây bàng cổ thụ trong nhà tù vốn là “bạn” của những chiến sĩ Cộng sản, khi cành được dùng để làm đũa, quả, lá bàng dùng để chữa bệnh đau bụng cho các chiến sĩ, mọi cán bộ, nhân viên cũng đều thấm nhuần. Bạn Phạm Thị Hoàng My, cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Những câu chuyện tuy nhỏ nhưng nói lên sự gian lao của chiến sĩ cách mạng khi xưa. Khi thấu hiểu được điều ấy, mỗi cán bộ sẽ truyền tải kiến thức và cảm xúc của mình khi giới thiệu với khách tham quan. Qua đó, lan tỏa đi tinh thần tự hào về quá trình đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng”.
Một điểm đặc biệt của Nhà tù Hỏa Lò là thời kháng chiến chống Mỹ, nơi này được sử dụng để giam giữ những phi công Mỹ bị bắt. Ban Quản lý di tích đã thiết kế hai phần trưng bày rõ rệt, liên quan đến hai thời kỳ. Trong đó, phần kháng chiến chống Mỹ nói lên tội ác của quân đội Mỹ khi ném bom miền bắc và những chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với tù binh Mỹ. Khi mở cửa đón khách cách đây gần 10 năm, ít ai ngờ rằng, giữa “Thủ đô di sản” như Hà Nội mà Di tích Nhà tù Hỏa Lò lại trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất. Tính đến hết tháng 10-2018, di tích đã đón hơn 410 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Một trong những nhân tố khiến di tích trở nên hấp dẫn là cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý di tích đã “truyền lửa” tinh thần cách mạng qua những bài thuyết minh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy tự hào cho biết, Ban Quản lý di tích đang phấn đấu tất cả 24 cán bộ của Ban quản lý đều có thể trở thành thuyết minh viên bất kể lúc nào, bất kể cán bộ đó công tác ở vị trí nào.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng là địa điểm luôn có nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu hiện vật, hình ảnh hết sức sinh động. Trung bình mỗi năm Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện từ bốn đến năm cuộc trưng bày chuyên đề nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Những trưng bày như “Thép nơi lửa ngục”, “Chân trần chí thép”, “Ngày trở về”… được công chúng đánh giá cao, khi giới thiệu nhiều hiện vật, hình ảnh quý hiếm, giàu ý nghĩa. Mỗi dịp trưng bày, Ban Quản lý Nhà tù Hỏa Lò luôn mời các nhân chứng lịch sử đến trò chuyện, chia sẻ về quá trình đấu tranh cách mạng. Những hoạt động sôi nổi này khiến Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến của nhiều trường học, cơ quan… trong những buổi sinh hoạt chuyên đề về giáo dục truyền thống cách mạng, nghiên cứu thực tế hay ngoại khóa. Ðồng chí Vũ Xuân Hân, cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Chương Mỹ, người nhiều lần đưa học viên đến học tập thực tế tại di tích chia sẻ: “Qua tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò, chúng tôi mong muốn các học viên cảm nhận trực tiếp phần nào những gian khổ, hy sinh mà những chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò đã trải qua để phát huy tinh thần cách mạng trong công tác hôm nay”.
Xác định thái độ phục vụ sẽ góp phần tạo nên ấn tượng của khách du lịch trong nước và ngoài nước với văn hóa Hà Nội, từ lâu, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã luôn đón tiếp khách tham quan bằng thái độ thân thiện, nhiệt tình. Tinh thần ấy còn được thể hiện qua việc Ban Quản lý Di tích thực hiện thuyết minh miễn phí cho bất cứ khách tham quan nào có nhu cầu bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Khi UBND thành phố ban hành hai Quy tắc ứng xử, tinh thần ấy tiếp tục được nâng lên. Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn lập trang mạng xã hội (facebook) để tương tác với khách du lịch. Nhiều lần khách du lịch bỏ quên đồ dùng có giá trị như máy ảnh, điện thoại… Ban Quản lý di tích chủ động tìm khách để trả lại đồ thất lạc.
Thành công trong công tác dân vận tại Chi bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò luôn được coi là thành công kép, khi vừa góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên về tinh thần cách mạng, tinh thần phục vụ, vừa “truyền lửa” cách mạng đến cộng đồng qua mỗi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi cán bộ, nhân viên.
Bài và ảnh: Giang Nam