Gia tăng giá trị cho đặc sản vùng miền
Từ ngày 21 đến 25-11, quảng trường Trung tâm thương mại Mega Mall Royal City (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) trở thành nơi hội tụ của hàng loạt các sản vật ngon, đặc sắc khắp cả nước. Ðó là chè Shan Tuyết với vị thơm đặc trưng, ngọt hậu mà không chát nhờ được chế biến từ những búp chè tươi “một tôm hai lá non”, nước mắm Phú Quốc đặc trưng với mầu cánh gián đậm, tinh khiết, pha trộn vị mặn lẫn vị béo tự nhiên của đạm và mỡ cá biển; gạo Ðiện Biên, khi nấu chín có mùi thơm đặc trưng; cà-phê các tỉnh Tây Nguyên; hạt tiêu Phú Quốc… Ðây là những mặt hàng đặc sản vùng miền và cũng là nông sản tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Sau bốn năm tổ chức thành công, Hội chợ Ðặc sản vùng miền Việt Nam đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng Hà Nội, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng – tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Mai Anh cho biết, Hội chợ năm nay có gần 300 gian hàng của 200 doanh nghiệp Việt Nam và một số doanh nghiệp đến từ sáu nước gồm Nhật Bản, Bun-ga-ri, Xri Lan-ca, In-đô-nê-xi-a, Pa-ki-xtan. Các sản phẩm tham gia hội chợ gồm thực phẩm, đồ uống, gia vị, thảo dược, thủ công mỹ nghệ…, bảo đảm về nguồn gốc xuất xứ, đa dạng và phong phú về chủng loại, là các đặc sản đặc trưng cho các vùng miền. Dự kiến có khoảng 200 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm trong những ngày diễn ra hội chợ. Ông S.M.Ta-ra, Tham tán thương mại Pa-ki-xtan tại Việt Nam cho biết: “Ba doanh nghiệp Pa-ki-xtan tham gia Hội chợ Ðặc sản vùng miền các năm vừa qua đạt được những kết quả rất tốt. Chúng tôi không chỉ có những bạn hàng mới, mà còn giới thiệu được các đặc sản, giới thiệu được văn hóa của Pa-ki-xtan đến với Việt Nam”.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ đã quan tâm nhiều hơn đến việc đáp ứng các giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì theo yêu cầu của hệ thống phân phối. Ðã có hàng nghìn giao dịch giữa các doanh nghiệp tham gia hội chợ với các đơn vị phân phối, hàng nghìn sản phẩm đặc sản vùng miền đã đưa vào hệ thống phân phối và bán lẻ lớn như Vinmart, Big C, Aeon, Lotte… Giám đốc Công ty Ðổi mới sáng tạo nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thu Hương chia sẻ: “Chúng tôi chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc. Thông qua Hội chợ Ðặc sản vùng miền, chúng tôi đã kết nối được với gần 30 đại lý phân phối ở Hà Nội và thiết lập một mạng lưới các khách hàng tiêu dùng thường xuyên các sản phẩm của các nhóm sản xuất. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hội chợ được tổ chức thường xuyên hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ dân tiêu thụ sản phẩm”. Lần này, hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản) cử đoàn công tác đến hội chợ để tìm kiếm sản phẩm mới đưa vào chuỗi cung ứng ở Việt Nam và Nhật Bản. Chị Mi-ka Tô-kô-ri, chủ cửa hàng Annam Plavour cho biết: “Nhận được lời mời của Ban tổ chức, tôi đã đến thăm hội chợ để tìm thêm các đặc sản của Việt Nam cho nhà hàng của mình. Các khách hàng Nhật Bản rất thích đồ ăn Việt Nam. Tôi đã tìm thấy rất nhiều đặc sản ngon của Việt Nam và hiểu hơn về văn hóa của đất nước các bạn”.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Mai Anh cho rằng, tiềm năng của đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn, nhưng việc phát triển còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp chưa nhận thức chưa đầy đủ về tiềm năng phát triển của đặc sản vùng miền, chưa có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài trên quan điểm xây dựng thương hiệu đặc sản tại mỗi địa phương; các sản phẩm còn đơn điệu trong thiết kế; các doanh nghiệp chưa liên kết tốt với nhau để xây dựng được hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Ðể góp phần khắc phục những hạn chế này, chương trình Hội chợ Ðặc sản vùng miền được định hướng phát triển theo hướng đáp ứng chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu trở thành một hội chợ xuất khẩu vào năm 2022. Ban tổ chức kỳ vọng, đến năm 2022 sẽ có 700 gian hàng với sự tham gia của 300 doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước; hơn 2.000 nhà nhập khẩu và 20 nghìn lượt khách Việt Nam đến tham quan và giao dịch tại hội chợ. Ðể thực hiện lộ trình này, thành phố Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá thực trạng của các sản phẩm đặc sản vùng miền để có các biện pháp tư vấn, hỗ trợ tại mỗi địa phương. Ðồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng của các địa phương đầu tư phát triển sản phẩm mẫu, bao bì, nhãn mác…; nghiên cứu và phát triển chiến lược thị trường cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm để mời các nhà nhập khẩu vào tham quan, giao dịch, từng bước tăng giá trị cho mặt hàng đặc sản vùng miền của Việt Nam.
NGUYÊN TRANG