Lo ngại lạm phát cuối năm
Báo cáo của VEPR nhận định chỉ tiêu lạm phát bình quân năm 2018 dưới 4% sẽ khó đạt được nếu giá nhiên liệu cứ liên tục tăng như vừa qua. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại.
Lo ngại lạm phát cuối năm – Ảnh 1.
Nhiều chuyên gia lo ngại áp lực lạm phát cuối năm
TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục thời gian gần đây sẽ kéo theo nhiều loại hàng hóa khác tăng theo do chi phí vận tải tăng. “Việc tăng giá xăng dầu sẽ tạo ra vòng xoáy tăng giá hàng hóa, dịch vụ, đẩy chi phí sản xuất doanh nghiệp lên cao. Tăng giá xăng dầu dịp cuối năm sẽ gây áp lực lên việc kiểm soát lạm phát”- TS Phạm Thế Anh cho biết.
Mối quan ngại này sẽ còn tiếp tục trong năm 2019 khi giá nhiên liệu thế giới vẫn ở mức cao và thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít) có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019. TS Phạm Thế Anh cho rằng trước đây cơ quan nhà nước tính toán nếu thuế xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít thì sau một năm lạm phát có thể tăng từ 0,07-0,09 điểm % và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, con số thực tế theo tính toán của ông cao hơn nhiều. Cụ thể, 1.000 đồng thuế tăng vào giá xăng có thể làm tỉ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng 1,6 điểm %.
“Trước những diễn biến giá năng lượng thế giới như hiện nay, chúng tôi cho rằng việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu vào đầu năm sau sẽ tạo ra rủi ro lạm phát. Mức lạm phát mục tiêu 4% như những năm vừa qua sẽ khó đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy”- Viện trưởng VEPR, TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
Chuyên gia kinh tế vĩ mô đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết ngoài ảnh hưởng từ việc tăng giá lương thực, nhiên vật liệu, các nước đang phát triển như Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ lạm phát do tỉ giá. “Lạm phát là vấn đề đáng lo ngại đối với toàn cầu. Việc đồng USD tăng giá, các nước đang phát triển đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát, tạo ra vòng xoáy tăng lạm phát trong nước”- TS Phạm Thế Anh phân tích.
Báo cáo của VEPR đưa ra nhận định việc đồng USD ngày càng mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỉ giá VND/USD sẽ còn biến động tương đối mạnh. Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. Trên thực tế lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng tính theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế. Do đó, VEPR khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
Bài và ảnh: MINH CHIẾN