Nhập siêu từ các nước ASEAN rất đáng lo ngại
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cảnh báo như vậy tại Hội thảo Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp (DN) Việt do Sở Công Thương TP HCM, Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (thuộc Câu lạc bộ Saigon Times) tổ chức sáng 10-10 ở TP HCM.
Xuất khẩu tăng ít, nhập khẩu tăng nhiều
Gần 3 năm sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, hàng hoá của các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng Thái Lan. Tuy vậy, đến thời điểm này dường như các DN Việt Nam còn quá thờ ơ và bỏ qua những thị trường này.
Số liệu từ Sở Công Thương TP HCM cho thấy từ năm 2015 đến 2017, lượng hàng hóa từ TP HCM xuất khẩu sang ASEAN tăng đều hằng năm. Tuy nhiên, không có sự tăng đột biến sau khi AEC được thành lập. Trong khi đó, con số nhập khẩu vẫn rất lớn, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam từ 7,2 tỉ USD năm 2016 đã tăng lên 8,15 tỉ USD năm 2017.
Nhập siêu từ các nước ASEAN rất đáng lo ngại – Ảnh 1.
Các khách mời thảo luận về việc gỡ bỏ vướng mắc để đưa hàng vào ASEAN
Hiện tại, nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN đã cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu. Nhóm hàng hóa TP HCM xuất khẩu nhiều sang thị trường ASEAN là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; gạo; hàng thủy sản. Nhóm hàng hóa nhập khẩu nhiều gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng gia dụng khác và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu, xăng dầu các loại.
Ông Phạm Thành Kiên cho biết nhập siêu từ ASEAN là điều đáng lo ngại. “Để tận dụng các cơ hội và phát huy có hiệu quả các lợi thế trong quá trình tham gia AEC, DN cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo, không ngừng tự đổi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể để thâm nhập các thị trường này. Trong đó, chiến lược kinh doanh cần theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực…” – ông Kiên lưu ý.
Bỏ lỡ tiềm năng
Ông Kiên phân tích thêm: việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối, hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước trong AEC đang dần xóa bỏ (Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0%-5% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.
Với mức giảm thuế sâu như vậy, trong tương lai, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Đồng thời, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN, bởi vì khi hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN có mức thuế ưu đãi như nhau, sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Nhập siêu từ các nước ASEAN rất đáng lo ngại – Ảnh 2.
Rất nhiều doanh nghiệp quan tâm thị trường ASEAN nhưng không biết bắt đầu từ đâu đê tiếp cận thị trường này
Trong khi đó, với thiết bị, công nghệ hiện nay, sản phẩm của DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu của các nước trong khối. Sự thuận lợi hóa thương mại trong AEC sẽ tạo ra sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với các sản phẩm, ngành hay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngay tại thị trường Việt Nam.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), phân tích một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN. Đó là hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao… Một hạn chế khác là DN chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước đạo Hồi; chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực…
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thì cho rằng các DN Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt do cơ cấu hàng hóa khá tương đồng trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các ngành được bảo hộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong nước vẫn ở trình độ thấp: năm 2017 chỉ đạt 3,39/10 điểm trong khi Malaysia là 5,59, Thái Lan là 4,94 … cộng với năng lực quản trị kém nên đến nay vẫn dừng lại ở cơ hội, tiềm năng chứ chưa phát huy được.
Nên tận dụng xuất khẩu qua kênh phân phối hiện đại
Bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam), cho biết công ty đang tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái Lan sang Việt Nam.
Trong các chuyến đi, MM Mega Market Việt Nam giới thiệu các vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng… giúp họ có đầy đủ thông tin về nguồn hàng tại Việt Nam. “DN có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống thì cần tìm hiểu nhu cầu thị trường. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn về mặt quy trình, kỹ thuật để đưa hàng hóa vào hệ thống” – bà Punthila Puripreecha nói thêm.
Năm 2018, MM Mega Market nhận giấy phép xuất khẩu trực tiếp và xuất đơn hàng đầu tiên hơn 100 tấn nông sản Việt gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng… sang 700 siêu thị Big C Thái Lan. Kế hoạch năm 2019 sẽ xuất 1.000 tấn thanh long, 1.000 tấn khoai lang và 250 tấn cá ba sa phi lê đông lạnh sang Thái.
Thanh Nhân